Nitric oxide là chất điều hòa sinh học, được sản xuất bởi nội mô - lớp niêm mạc của mạch máu. Nitric oxide được cơ thể tạo ra và thấm vào các mô làm cho các động mạch thư giãn và mở rộng để giảm huyết áp.
Nếu cơ thể không tạo đủ nitric oxide, bạn có thể bị mệt mỏi, giảm hoạt động tình dục, đau cơ xơ hóa, bệnh tim mạch, huyết áp cao và thậm chí là mất trí nhớ. Sau tuổi 40, quá trình sản xuất nitric oxide của cơ thể bắt đầu suy giảm.
Nitric oxide là thành phần trọng yếu trong việc điều tiết máu, các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tim và các mô của toàn bộ cơ thể; tạo cơ sở vững chắc cho huyết áp luôn khỏe mạnh, nhất là khi kết hợp với chế độ ăn uống, luyện tập đúng cách.
Vai trò của nitric oxide đối với tim mạch:
Bệnh tim mạch có liên quan đến một số rối loạn khác nhau bao gồm tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và đái tháo đường. Bệnh lý cơ bản của hầu hết các bệnh tim mạch là xơ vữa động mạch, có liên quan đến rối loạn chức năng nội mộ. Các vai trò bảo vệ tim mạch của nitric oxide bao gồm điều hòa huyết áp và trương lực mạch máu, ức chế kết tập tiểu cầu và kết dính bạch cầu, ngăn ngừa tăng sinh tế bào cơ trơn.
Giảm sinh khả dụng của nitric oxide được cho là một trong những yếu tố trung tâm thường gặp đối với bệnh tim mạch, mặc dù vẫn chưa rõ đây là nguyên nhân hay hậu quả của rối loạn chức năng nội mô. Sự xáo trộn về sinh khả dụng nitric oxide dẫn đến mất tác dụng bảo vệ tim mạch và trong một số trường hợp thậm chí có thể làm tăng sự tiến triển của bệnh.
Với hoạt tính sinh học làm giãn mạch và ngăn ngừa sự tăng sinh tế bào cơ trơn thành mạch, điều hòa chức năng của tế bào tim, do đó suy giảm sản xuất hoặc giảm sinh khả dụng của nitric oxide dẫn đến khởi phát các bệnh tim mạch khác nhau. Những thay đổi trong cân bằng oxy hóa khử liên quan đến sự kết hợp kích thích co bóp đã được xác định trong suy tim, góp phần gây ra bất thường co bóp và loạn nhịp tim.
Một số nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng đã khảo sát chiến lược nitric oxide điều trị đối với tăng huyết áp toàn thân, xơ vữa động mạch và phòng ngừa tái hẹp stent, bệnh mạch vành, tăng huyết áp động mạch phổi và suy tim. Mặc dù kết quả khác nhau trong điều trị lâu dài và liều hiệu quả được sử dụng trên một số nhóm bệnh nhân được chọn, nhưng việc bổ sung hydro sulfua, tetrahydrobiopterin và nitrit/nitrat đã cho thấy những tác dụng có lợi ở cấp độ mạch máu.
Vì vậy có thể khẳng định nitric Oxide là thành phần quan trọng giúp nuôi dưỡng tim và các mô của toàn bộ cơ thể, tạo cơ sở vững chắc cho huyết áp luôn khỏe mạnh, nhất là khi kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.
Chìa khóa để nâng cao nitric oxide:
Ăn đúng cách: Thiên nhiên đã cung cấp một giải pháp đơn giản cho vấn đề này bằng cách đưa một lượng lớn chất chống oxy hóa vào thực phẩm chứa nhiều nitrat. Các loại rau lá xanh và củ dền có chứa hàm lượng nitrat vô cơ cao, và việc hấp thụ làm tăng nitric oxide trong máu một cách rất hiệu quả. Các loại thực phẩm là nguồn cung cấp nitrat dồi dào: Bông cải xanh, cần tây, rau bina, củ cải đường, cà rốt, bắp cải, rau diếp, cà tím. Hãy bổ sung trái cây và rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống, đồng thời hạn chế ăn chất béo, đường và muối. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, cố gắng đạt được và duy trì cân nặng hợp lý.
Giảm các yếu tố nguy cơ: Kiếm soát huyết áp, mức cholesterol và lượng đường trong máu, sử dụng thuốc nếu cần và do bác sĩ kê đơn.
Thở đúng cách: Cuối cùng, đừng quên thở. Thở từ từ thông qua mũi trong vài phút, đặc biệt nếu đang cảm thấy căng thẳng. Không giống như thở bằng miệng, thở bằng mũi giúp giải phóng oxit nitric, làm giãn nở mạch máu, giảm huyết áp và có tác dụng làm dịu toàn thân.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận