Một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân Việt Nam đó là muối ăn. Vị của muối là một trong những vị cơ bản. Từ xa xưa muối đã là một trong số các hàng hóa có giá trị nhất do sự cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống trong đó có loài người.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ thừa muối so với nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch (đặc biệt là đột quy và nhồi máu cơ tim), sỏi thận, suy thận... Do đó, cần sử dụng muối một cách an toàn, hiệu quả, tránh các tác động xấu cho cơ thể.
Muối ăn rất quan trọng với sức khỏe:
Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là tiền đề cho một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bữa ăn chỉ đảm bảo yếu tố cân bằng dinh dưỡng mà mùi vị không hấp dẫn thì người sử dụng cũng khó tiêu thụ hết được khẩu phần, dẫn đến cơ thể vẫn không lấy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng dù khẩu phần ăn đã cân bằng dinh dưỡng.
Để giúp món ăn ngon hơn, bên cạnh kỹ thuật chế biến, gia vị cũng đóng một vai trò quan trọng. Gia vị là những loại thực phẩm hoặc các hợp chất hóa học cho thêm vào món ăn (trong giai đoạn tẩm ướp, thời gian chế biến nhiệt, hay trước khi ăn) giúp làm gia tăng hương vị, màu sắc, kích thích tiêu hóa, khiến món ăn trở nên thơm ngon, hài hòa về vị và hấp dẫn hơn.
Thành phần chủ yếu của muối ăn là hai nguyên tố natri và clorua. Đây là những nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Mặc dù vậy, sử dụng quá nhiều muối so với nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch (đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim), sỏi thận, suy thận... Do đó, cần trang bị những kiến thức về sử dụng muối ăn hợp lý trong chế biến món ăn để đảm bảo lượng muối ăn được sử dụng theo đúng nhu cầu khuyến nghị, giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Ăn bao nhiêu muối là an toàn?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị năm 2020, người trưởng thành chỉ nên sử dụng lượng muối dưới 5g một ngày giúp giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. 5g muối (tương ứng với 1 thìa cà phê muối) tương đương 8g bột canh (1.5 thìa cà phê bột canh) hoặc 25g nước mắm (2.5 thìa canh nước mắm) hoặc 35g nước tương (3.5 thìa canh nước tương). Tuy nhiên, cũng theo WHO công bố năm 2020, lượng muối ăn trong chế độ ăn uống hiện tại trên toàn cầu là 9-12g mỗi ngày. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong những năm gần đây, thực tế mỗi người dân đang tiêu thụ trung bình 9.4g muối mỗi ngày (gần gấp hai lần khuyến nghị của WHO). Do đó cần đảm bảo lượng muối trong khẩu phần ăn không vượt quá khuyến nghị. Vì vậy trong quá trình nấu nướng hằng ngày, để giảm lượng tiêu thụ muối, chúng ta có thể không thêm muối trong quá trình chế biến thức ăn hoặc không sử dụng thêm các loại gia vị trong bữa ăn, hạn chế sử dụng đồ ăn chứa nhiều muối. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần giảm từ từ lượng muối sử dụng trong bữa ăn do nếu giảm một cách đột ngột sẽ gây ra rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, làm giảm sự hấp dẫn của món ăn từ đó giảm lượng tiêu thụ trong khẩu phần gây thiếu năng lượng, sụt cân và suy dinh dưỡng.
Vậy giảm muối trong khẩu phần ăn thường ngày thế nào?
Để tránh mắc các bệnh lý tim mạch liên quan đến muối ăn, thực hiện giảm muối trong chế độ ăn của gia đình. Trong đó cần lưu ý: . Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối...
- Tăng các thực phẩm tươi sống.
- Tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào.
- Tăng các món luộc, hấp thay vì món kho, rim, rang...
- Nên giảm ăn muối một cách từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể dần thích nghi.
- Giảm lượng gia vị chứa nhiều muối bằng cách chế biến với các loại gia vị khác để tăng vị giác.
- Hạn chế dùng các loại nước mắm, bột canh, mì chính... Hoặc nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi.
- Nên đọc thành phần các chất dinh dưỡng trên nhãn mác sản phẩm để kiểm tra lượng muối trong thực phẩm trước khi sử dụng.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận