Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ em theo đúng theo phác đồ sẽ giúp cơ thể trẻ giữ nguyên tính hiệu quả của kháng sinh hiện tại. Đồng thời, nó còn có thể bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng, kháng kháng sinh cũng như phòng tránh một số tác dụng phụ của việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lạm dụng kháng sinh ở trẻ em ngày càng gia tăng, khiến cho công tác điều trị trong ngành y tế gặp nhiều khó khăn cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí khi bác sĩ kê đơn kháng sinh thì nhiều bậc phụ huynh tự ý thay đổi liều thuốc cũng như khi thấy bệnh tình trẻ đỡ hơn thì tự ý dừng kháng sinh.
Nhưng với việc làm này thì lại vô cùng nguy hiểm vì kháng sinh cần phải sử dụng đủ liều mới cho tác dụng. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ định cho dùng kháng sinh từ 7 - 10 ngày nhằm phát huy tối đa tác dụng của thuốc cũng như hạn chế tác dụng phụ và tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nếu không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ thì những ảnh hưởng của lạm dụng kháng sinh khiến trẻ nhỏ có thể gặp phải một số hậu quả như sau:
Lạm dụng kháng sinh ở trẻ em dẫn đến kháng kháng sinh
Đây là ảnh hưởng của lạm dụng kháng sinh nguy hiểm nhất. Kháng kháng sinh hay còn gọi kháng thuốc kháng sinh, đây là tình trạng vi khuẩn kháng lại hiệu quả điều trị của thuốc kháng sinh. Cụ thể là vi khuẩn sẽ thay đổi, làm giảm phần nào hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc kháng sinh dùng để chữa bệnh.
Nếu sau khi điều trị kháng sinh, những vi khuẩn còn sống sót sẽ có thể nhân lên, đồng thời nó còn truyền các đặc tính cho các thế hệ sau. Các đặc tính đó có thể là tình trạng kháng thuốc, khiến cho số lượng chủng loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng. Hậu quả của việc kháng kháng sinh là khiến cho bệnh nặng hơn và tái đi tái lại thường xuyên, thời gian phục hồi lâu hơn, phương pháp và chi phí điều trị cao hơn, đặc biệt là khi không có thuốc điều trị hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Lạm dụng kháng sinh ở trẻ em dẫn đến loạn khuẩn đường ruột
Kháng sinh có tác dụng chính là tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, những vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi đối với cơ thể trẻ bị tiêu diệt nếu cho trẻ sử dụng liều cao dài ngày hoặc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Vì vậy, những vi khuẩn có lợi cho đường ruột đã bị tiêu diệt nên trẻ dễ bị loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy, buồn nôn hay phát ban...
Một trong những ảnh hưởng của lạm dụng kháng sinh ở trẻ em chính là gây hại đến gan và thận. Khi sử dụng số loại kháng sinh cho trẻ em sẽ gây tổn hại đến gan, thận... Do đó, lạm dụng kháng sinh ở trẻ em rất nguy hiểm.
Cách hạn chế lạm dụng kháng sinh ở trẻ em
Với những hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ như trên, để hạn chế tình trạng này, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau khi sử dụng kháng sinh cho trẻ nhằm hạn chế tình trạng kháng kháng sinh cũng như một số tác dụng phụ mà thuốc mang lại.
Cụ thể:
Không sử dụng kháng sinh cho trẻ khi không thật sự cần thiết: Nếu trẻ bị các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên hoặc một số trường hợp bị viêm phế quản, viêm mũi họng ở mức độ nhẹ mà trẻ vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường, không có biểu hiện nặng lên... thì chưa nhất thiết phải vội vàng dùng kháng sinh cho trẻ. Thay vào đó, phụ huynh nên hạ sốt cho trẻ nếu trẻ có sốt, tăng cường uống nước và cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng... Sau 1 tuần trẻ không có biểu hiện khả quan hơn và bệnh dần nặng lên thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ khám và chỉ định thuốc phù hợp, không tự ý dùng kháng sinh ở nhà cho trẻ.
Sử dụng kháng sinh cho trẻ em đúng bệnh, đúng cách: Khi trẻ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh thì phụ huynh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian, liều dùng cũng như kết hợp thuốc kháng sinh với các thức ăn đồ uống thông thường... để thuốc phát huy hết các tác dụng, để vi khuẩn không có cơ hội kháng kháng sinh.
Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ: Hệ miễn dịch được coi là yếu tố mà cơ thể dùng để chống lại các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và virus. Hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh sẽ là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh cũng như hạn chế các bệnh nhiễm trùng. Phụ huynh nên tăng cường hệ miễn dịch thường xuyên cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, rèn luyện thể chất bằng hoạt động vui chơi thường ngày, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch...
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận