Rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh, xảy ra khi tâm nhĩ không co bóp theo nhịp điệu thông thường. Ngoài sử dụng thuốc và thay đổi chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục đúng cách cũng có thể giúp bạn kiểm soát bệnh.
Lợi ích của tập thể thao khi bị rung nhĩ
Với những trường hợp rung nhĩ đã trở nặng, nhịp tim của bạn có thể tăng rất nhanh khi tập thể dục. Điều này có thể làm huyết áp giảm mạnh, khiến người bệnh rung nhĩ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đổ mồ hôi nhiều, khó thở. Trong trường hợp này, tập thể dục có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.
Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, tập thể dục vừa sức có thể giúp bạn kiểm soát bệnh rung nhĩ, sống khỏe mạnh hơn. Tập thể dục có thể giúp bạn duy trì trọng lượng ổn định, phòng ngừa bệnh suy tim, đặc biệt giúp ổn định nhịp tim và huyết áp.
Thêm vào đó, tập thể dục đều đặn cũng giúp giảm căng thẳng, lo lắng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh rung nhĩ.
Các bài tập thể thao tốt cho người bệnh rung nhĩ
Trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập thể dục nào, hãy thực hiện các động tác co, duỗi cơ bắp, hoặc đi bộ 10 phút để khởi động, giúp tim làm quen với việc vận động. Người bệnh rung nhĩ cũng nên chú ý uống đủ nước trước khi bắt đầu tập thể thao.
Một khi đã sẵn sàng, hãy bắt đầu các bài tập đi bộ, đi bộ nhanh… để không khiến tim bị quá tải. Đạp xe trên máy tập cũng là một bài tập tốt và an toàn với những người bệnh rung nhĩ.
Nếu tình trạng bệnh chưa quá nghiêm trọng, bạn cũng có thể thử nâng tạ nhẹ nhàng để xây dựng cơ bắp, tăng cường sức mạnh mà không khiến tim phải làm việc quá sức.
Với những người mới bắt đầu tập thể dục, bạn chỉ nên vận động từ 5 - 10 phút để đảm bảo bạn không vận động quá sức, dễ gây choáng, ngất. Khi cảm thấy đã bắt đầu quen với việc tập luyện, bạn có thể gia tăng 5 - 10 phút vận động.
Nên tránh các bài tập này khi bị rung nhĩ
Người bệnh rung nhĩ nên tránh những bài tập cường độ cao khi mới bắt đầu tập luyện. Hãy bắt đầu bằng những bài tập cường độ thấp để cơ thể làm quen từ từ. Sau đó, bạn có thể tăng dần thời gian và cường độ tập luyện.
Hãy tránh các bài tập có nguy cơ gây thương tích cao như: Đạp xe ngoài trời, nâng tạ nặng… Các bài tập này có thể gây ra nhiều áp lực cho tim, cũng như có thể khiến bạn bị thương. Nhiều người bệnh rung nhĩ phải dùng thuốc chống đông máu để phòng nguy cơ đột quỵ. Các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ, khiến bạn chảy nhiều máu hơn khi bị thương.
Nguồn: Sưu tầm
Bình luận