Phòng ngừa ngộ độc vitamin

Vitamin rất cần thiết cho cơ thể, song nếu sử dụng quá nhiều so với nhu cầu và khả năng hấp thụ của cơ thể, lượng vitamin dư thừa sẽ tích lũy lại ở gan và gây ngộ độc. Bổ sung vitamin giúp cơ thể đầy đủ dưỡng chất hơn, nhưng không phải lúc nào bổ sung vitamin cũng đúng mà phải biết cách vì nếu không, quá liều vitamin còn nguy hại hơn rất nhiều. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại, việc lạm dụng vitamin được xếp vào hàng báo động thứ  3 sau lạm dụng kháng sinh và steroid…

Một số vitamin có thể giúp con người phòng chống lão hóa và một số bệnh ung thư. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta cho rằng, càng dùng nhiều vitamin thì càng tốt cho sức khỏe, ngược lại nếu dùng quá liều có thể dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Nhìn chung, vitamin là những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Do cơ thể không tự tổng hợp được hoặc tổng hợp được rất ít nên việc cung cấp vitamin là cần thiết cho cơ thể. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng số vitamin cần thiết có đến 13 loại, gồm bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và chín vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…). Hàng ngày, cơ thể cần một lượng vitamin rất nhỏ để đảm bảo các hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy là ít nhưng chúng giữ vai trò rất quan trọng, nếu thiếu sẽ gây ra bệnh. Nhưng việc cung cấp vitamin qua thức ăn nước uống là đủ (ăn uống phong phú và đa dạng theo ô vuông thức ăn).

Trong những trường hợp cần thiết do cơ thể suy kiệt sau đợt ốm dài ngày, hoặc tiêu chảy, không hấp thu được vitamin thì việc bổ sung qua đường uống dưới dạng thuốc là cần thiết. Nếu dùng quá liều cũng sẽ gây ngộ độc vitamin. Mức độ ngộ độc vitamin tùy thuộc loại vitamin được bổ sung cũng như tùy thuộc cơ địa của mỗi người. Chẳng hạn như bổ sung quá nhiều vitamin C có thể bị tiêu chảy, bổ sung quá nhiều folate có thể gây tổn thương thận. Bổ sung quá mức các chất đa sinh tố có chứa các khoáng chất như sắt có thể gây tử vong. Ngộ độc vitamin càng dễ xảy ra ở trẻ em vốn lầm tưởng các chế phẩm bổ sung vitamin là kẹo do vị ngọt và màu sắc sặc sỡ hoặc cũng có thể do bố mẹ gây ra vì nghĩ rằng cho con mình dùng càng nhiều vitamin thì chúng sẽ càng thông minh, mạnh khỏe.

Hypervitaminosis là một thuật ngữ y khoa dùng để chỉ sự ngộ độc do sử dụng quá liều các loại vitamin. Sự ngộ độc vitamin có thể rơi vào hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là sử dụng quá nhiều vitamin vì cho rằng càng nhiều vitamin càng tốt, chẳng hạn có người ngộ nhận rằng uống hai viên thì hiệu quả sẽ gấp hai lần so với uống một viên. Trường hợp thứ hai là do hệ tiêu hóa có vấn đề trong việc xử lý các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K), vì vậy các vitamin này cứ “ăn dầm nằm dề” trong máu và sẽ gây ngộ độc.  Nhìn chung nhóm vitamin tan trong dầu do không thải trừ được qua nước tiểu nên dễ dẫn đến ngộ độc hơn là nhóm vitamin tan trong nước.

Trong các loại thực phẩm, rau quả tươi đã có chứa nhiều vitamin thiên nhiên. Chỉ cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý (bao gồm chất bột, thịt, mỡ, cá, trứng, sữa, rau quả tươi) và cân bằng với nhu cầu cơ thể (theo tháp dinh dưỡng) là đã bảo đảm đủ vitamin cho cơ thể. Những trường hợp thật sự cần thiết - như những người ăn kiêng (có thể thiếu một số loại vitamin, chẳng hạn kiêng chất béo tuyệt đối sẽ thiếu vitamin A và D) - hoặc những người có chế độ dinh dưỡng không hợp lý, mới cần được uống bổ sung vitamin.

Thế nhưng, các chuyên gia cũng khuyến cáo: Chỉ nên uống bổ sung vitamin khi thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh lý điển hình (do thiếu hụt vitamin nào đó). Như khi thấy có triệu chứng Scorbut (chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, mệt mỏi, vết thương khó lành) thì phải bổ sung vitamin C. Khi bị phù thũng, ăn chậm tiêu, hãy bổ sung vitamin B1. Nếu khô da, khô mắt thì phải uống vitamin A. Trẻ em bị còi xương phải được uống vitamin D.

Nguồn: Tổng hợp

Câu hỏi và bình luận của bạn

Bình luận

Scroll

Sản phẩm này đã hết hàng!

x

Thêm vào giỏ hàng thành công

x

Chức này cần phải cài thêm App Wishlist

x
 
AN HÒA KHANG