Đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn nguồn cung cấp máu đến não, kết quả là khiến các tế bào não ở vùng không được cấp máu bị hoại tử. Bệnh biểu hiện bởi các triệu chứng như đi lại và nói năng khó khăn, tê một bên của cơ thể, nhức đầu và mờ mắt. Đột quỵ có thể dẫn đến khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn. Do đó, việc chăm sóc sau đột quỵ đóng vai trò rất quan trọng.
Một số loại thảo dược có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ và phục hồi di chứng sau cơn đột quỵ. Bạn có thể tham vấn ý kiến của các bác sỹ trước khi áp dụng các phương pháp điều trị từ thảo dược sau đây:
Ích mẫu
Ích mẫu (Leonurus cardiaca) là một giống cây bản địa lâu năm được trồng ở châu Á. Những thầy thuốc của y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng các phần trên ngọn ích mẫu để điều trị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, các triệu chứng mãn kinh và những vấn đề liên quan đến kinh nguyệt. Loại thảo mộc này có thể tác động đến tim, gan và thận, làm giảm tình trạng ứ đọng máu.
Cây ích mẫu chứa nhiều chất chống oxy hóa
Các thành phần có trong ích mẫu như stachydrine, quercetin, kaempferol, leonurine và apigenin đều là chất chống oxy hóa mạnh. Một nghiên cứu của K. P. Loh và cộng sự công bố trên tạp chí Ethnopharmacology tháng 9/2009 đã tiến hành thử nghiệm chiết xuất này lên động vật bị đột quỵ. Theo đó, chiết xuất ích mẫu giúp giảm vùng ảnh hưởng do cơn đột quỵ, cải thiện tổn thương thần kinh do bệnh và bảo vệ tế bào não.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tác dụng của các chất chống oxy hóa trong việc chống lại quá trình stress oxy hóa trên tế bào thần kinh sau khi não bị mất oxy. Nghiên cứu ủng hộ quan điểm truyền thống cho rằng, ích mẫu giúp hỗ trợ phục hồi sau khi đột quỵ. Song, không nên kết hợp phương thuốc này với các loại thuốc đột quỵ và thuốc làm loãng máu khác.
Hoàng cầm
Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis) là một thảo mộc phổ biến trong y học cổ truyền phương Tây. Nó có thể tác động đến phổi, tim, dạ dày, túi mật và được sử dụng để điều trị dị ứng, viêm, xơ cứng động mạch, nhiễm trùng da và tình trạng cholesterol máu cao.
Cây hoàng cầm giúp hỗ trợ điều trị sau đột quỵ
Hoàng cầm chứa 4 loại flavonoid có tác dụng mạnh là baicalin, norwogonoside, oroxyloside và wogonoside. Chiết xuất hoàng cầm có thể giúp phục hồi sau cơn đột quỵ bằng cách tiêu huyết khối và giảm di chứng liệt sau cơn đột quỵ.
Một nghiên cứu do W.Tang và các cộng sự công bố trên tạp chí Phytomedicine năm 2004 cho thấy: Tác động chống viêm và chống oxy hóa của hoàng cầm có thể gắn vào các thụ thể và ngăn chặn thoái hóa thần kinh sau đột quỵ. Nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả của chiết xuất hoàng cầm trong việc ngăn ngừa tổn thương não do đột quỵ và giúp phục hồi sau đột quỵ.
Nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ khi sử dụng thảo dược này hoặc kết hợp chúng với thuốc đột quỵ và thuốc làm loãng máu.
Nhân sâm
Nhân sâm được sử dụng để tăng cường hệ miễn dịch, giúp chống lại bệnh tật và căng thẳng.
Các thầy thuốc y học cổ truyền châu Á cũng sử dụng nhân sâm để bảo vệ cơ thể, chống lại thoái hóa thần kinh, cải thiện lưu thông máu, làm giãn mạch máu, tăng cường trí nhớ, làm giảm lo âu và trầm cảm.
Nhân sâm giúp hỗ trợ điều trị đột quỵ
Các thành phần của nhân sâm bao gồm 30 glycosides steroid và saponin triterpene (được gọi là ginsenosides). Một nghiên cứu của X.Q.Gao và các cộng sự (công bố trên tạp chí Ethnopharmacology) đã tiến hành thử nghiệm tác động của chiết xuất ginsenoside Rb1 trên động vật bị đột quỵ. Theo đó, chiết xuất này giúp thúc đẩy sự phục hồi của tổn thương thần kinh và kích thích việc sản xuất các tế bào thần kinh não mới.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khẳng định: Không nên sử dụng chiết xuất từ nhân sâm nếu bạn đang sử dụng thuốc chống trầm cảm. Bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ nếu có vấn đề về tim hoặc huyết áp.
(Nguồn: Tổng hợp)
Bình luận