Nhiều năm trước, khi vừa bắt đầu bước vào làm việc trong mảng radio, tôi đến phòng tin để được giao nhiệm vụ trong ngày. Tôi được yêu cầu đến một phòng khám trị bệnh hôi miệng. Tại đó tôi được kiểm tra hơi thở và phỏng vấn bác sĩ.
Trên đường đi tôi tự hỏi liệu đây có phải là hành vi hạ bệ tôi và liệu đó có phải là điều khiến các đồng nghiệp không dám nói với tôi. May mắn là tôi ổn, nhưng hôi miệng là điều quá phổ biến và chúng ta không được giúp đỡ vì một số quan niệm sai lầm quanh bệnh này.
Kiểm tra Hôi miệng bằng khum tay liệu đã chính xác?
Vấn đề của phương pháp này là thở vào tay không đẩy hơi thở từ phần cuống họng ra giống như khi bạn nói chuyện. Vì thế, khi thở vào tay, bạn có thể đã không thở ra một số mùi do khí sinh ra từ sau lưỡi tạo ra, địa điểm chính gây ra hôi miệng.
Có ba phương pháp để kiểm tra hôi miệng:
- Có thể tự kiểm tra bằng cách ngửi một trong những thứ sau: hơi thở của bệnh nhân ở khoảng cách chỉ cách mũi bác sĩ 5cm, các chất thu được từ việc dùng một muỗng nhỏ nạo suốt dọc bề mặt lưỡi, chất đọng trên chỉ tơ nha khoa đã được dùng để cọ răng, hoặc một đĩa petri (loại đĩa dùng trong phòng thí nghiệm) có nước bọt bệnh nhân bỏ trong lồng nhiệt độ 37 độ C trong 5 phút.
- Cũng có một số máy nhỏ có thể phát hiện ra một số loại khí, nhưng giới hạn là các phương pháp chỉ kiểm tra được một số loại khí mà không phát hiện ra các loại khác.
- Cuối cùng là dựa vào "sắc ký khí" - một kỹ thuật phân tách hỗn hợp phức tạp nhiều loại khí - để đo hàm lượng sulphur trong không khí, nhưng đòi hỏi các thiết bị y tế đặc biệt mà không phải phòng khám nào cũng có.
Không phải ai nghĩ mình hôi miệng cũng thực sự bị hôi miệng. Họ nhìn nhận sai khi thấy người khác bước lùi lại hoặc quay đi khi, trong khi trên thực tế thì đó không phải là cách mọi người thường phản ứng với bệnh hôi miệng. Một nghiên cứu chỉ ra chỉ có 27% mọi người làm vậy.
Người ta chưa thống nhất được với nhau là có bao nhiêu phần trăm dân số thực sự bị mắc bệnh hôi miệng, tỷ lệ này ở những nơi khác nhau là khá nhau, có thể chiếm từ 22% đến 50%.
Tôi có thể mắc Bệnh gì đó không nếu miệng có mùi hôi?
Đa số hơi thở khó chịu bắt nguồn từ hợp chất sulphur dễ bay hơi, loại khí có mùi hôi đặc trưng. Hyrdogen sulphide, với mùi đặc trưng là trứng thối, là một trong những thủ phạm chính, nhưng tệ hơn là một chất có tên ethyl mercaptan, thường được mô tả là có mùi như bắp cải thối rữa. Đó là hợp chất khiến nước tiểu của một số người trở nên có mùi cực kỳ khó chịu sau khi họ ăn măng tây.
Các hợp chất này thải ra khi thức ăn và vi khuẩn cùng tích trữ trên những rãnh ở mặt sau lưỡi. Tin tốt là sự khó chịu này là tạm thời, như khi ăn phải tỏi hoặc hành sống, uống cafe hay hút thuốc. Nhưng trong 3/4 số ca lại là do vấn đề răng miệng đi kèm với hơi thở khó chịu. Bệnh nhân có thể bị sưng nướu răng, đau nướu hoặc bị nhiễm trùng, hoặc bị có mùi vì mảng bám trên lưỡi.
Đúng là có một số trường hợp hơi thở khó chịu sinh ra vì một bệnh ở cơ quan khác trên cơ thể như tai, mũi, cổ họng, thận, phổi hoặc cổ họng, nhưng khi các bộ phận này có bệnh, hiếm khi nào hôi miệng là dấu hiệu duy nhất.
Súc miệng bằng nước lọc có thể loại bỏ Hôi miệng chứ?
Điều đầu tiên rất nhiều người làm khi nghi ngờ bản thân bị hôi miệng là đi súc miệng. Hương bạc hà hay đinh hương tất nhiên có thể che giấu đi mùi hôi trong thời gian ngắn, và rất nhiều chất trong nước súc miệng có chất khử trùng. Ý tưởng là loại bỏ vi khuẩn dẫn đến hợp chất có mùi hôi. Trong thời gian ngắn thì hành động này có tác dụng. Nhưng vẫn còn một số tranh cãi về cồn trong nước súc miệng và liệu nó có gây mất nước trầm trọng hay không. Vì miệng khô cũng có thể khiến hơi thở khó chịu.
Uống nhiều nước mỗi ngày có thể có tác dụng, bằng cách súc miệng sạch thức ăn và tránh để miệng bị khô.
Cơ quan nghiên cứu sức khỏe của Anh tên Cochrane đang tổng hợp các bài nghiên cứu về chống hơi thở khó chịu. Trong phần tổng hợp của họ vào năm 2008 về việc súc miệng, 5 thử nghiệm tốt nhất cho thấy nếu chúng có chứa các chất kháng khuẩn như chlorhexidine và cetylpyridinium chloride, chlorine dioxide hoặc kẽm, chúng có thể làm giảm hơi thở khó chịu ở mức nào đó. Nhưng các tác giả kêu gọi tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa. Hi vọng trong năm tới nghiên cứu tổng kết có thể cho nhiều thông tin hơn về nước súc miệng nên dùng.
Một cách khác là cạo lưỡi bạn sạch bằng một thiết bị làm sạch lưỡi. Phương pháp này đang được Cochrane đánh giá trong phần tổng kết mới nhất. Báo cáo mới đây của họ cho biết có hai thử nghiệm nhỏ đang xem xét phương pháp này. Các thử nghiệm cho thấy cách này có hiệu quả, nhưng hiệu ứng không kéo dài. Chúng chỉ làm rõ nguy cơ làm tổn thương lưỡi vì nhấn quá mạnh. Nên chú ý rằng nếu bạn muốn sử dụng bàn chải để làm sạch lưỡi, hãy nhớ sử dụng bàn chải mềm.
Vi khuẩn nào là tốt, vi khuẩn nào là không tốt?
Mỗi cá thể người đều có một quần thể 100-200 vi sinh vật trong miệng. Vì ta cần phải tôn trọng các vi sinh vật trong cơ thể người và vai trò tích cực của hàng triệu vi khuẩn hiện diện trong cơ thể ta, thay vì tìm cách loại bỏ tất cả vi khuẩn khỏi miệng, các nhà khoa học đang cố tìm cách để tìm ra một hợp chất phù hợp, tấn công đúng loại vi khuẩn và loại bỏ chúng hoặc sử dụng các probiotic để khuyến khích phát triển một số loại vi khuẩn khác trong miệng.
Giai đoạn một và hai của nghiên cứu đã tiến hành giết loại vi khuẩn gây sâu răng. Hợp chất được thử nghiệm là một dung dịch dạng keo được ứng dụng trong một phòng khám nha khoa; sắp tới nó sẽ được thử nghiệm ở dạng chất phủ ngoài, vẫn là được thử trong phòng khám, nhưng được bọc trong các miếng băng mà bệnh nhân có thể mang về và tự đắp lên răng để tiếp tục điều trị. Điều này mở ra khả năng sử dụng phương pháp tương tự trong tương lai để tấn công chính xác các loại vi khuẩn gây hôi miệng.
Hiện việc thử nghiệm vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi, vì thế lời khuyên của bác sĩ là: hãy đánh răng và xỉa răng cẩn thận, uống nhiều nước, không hút thuốc, ăn uống cân bằng và đi khám nha sĩ khi bị hôi miệng để phát hiện xem liệu bạn có những dấu hiệu cho thấy bị bệnh về nướu răng hay không; nên dùng loại nước súc vệ sinh miệng phù hợp với bạn để loại bỏ hôi miệng và bảo vệ các cơ quan tai - mũi - hầu - họng.
(nguồn: BBC và tổng hợp nghiên cứu)
Bình luận