Vitamin là những chất hữu cơ rất cần thiết cho sự phát triển của con người. Tuy nhiên, cơ thể không có khả năng tổng hợp được vitamin nên trong chế độ ăn hàng ngày phải bổ sung đầy đủ các loại vitamin thông qua các thực phẩm thiết yếu.
Khi cơ thể thiếu hụt một loại vitamin lâu ngày sẽ phát sinh bệnh tật. Vậy, những dấu hiệu nào để nhận biết cơ thể thiếu vitamin?
Vitamin là gì?
Vitamin vốn được ghép từ 2 chữ : vital + amin, có nghĩa là các chất cần thiết cho sự sống và có chứa nitơ, do Casimir Funk, một nhà khoa học người Ba Lan đề xuất vào khoảng năm 1912.
Sau đó người ta thấy không phải vitamin nào cũng có chứa nguyên tố nitơ nhưng cái tên này vẫn được giữ lại cho đến ngày nay, và ý nghĩa của vitamin vẫn được khẳng định là cần thiết, thậm chí không thể thiếu cho sự sống của cơ thể.
Trong cơ thể luôn luôn có hàng vô số các phản ứng sinh hóa đồng thời diễn ra để các bộ phận trong cơ thể được liên tục “xây dựng và bảo trì”, đồng thời đảm bảo mọi chức năng khác vẫn hoạt động nhịp nhàng. Trong quá trình này, thực phẩm ăn vào sẽ được tiêu hóa, cắt ra từ dạng phức tạp thành các phần nhỏ hơn, sau đó chúng được phân loại ra, mỗi thứ dùng vào một việc, cái nào không cần thì đẩy thải ra ngoài. Trong các chuyển hóa sinh học đó, nếu không có vitamin tham gia thì chuyện sẽ không thành.
Có khoảng 13 loại vitamin đã được công nhận rộng rãi, và chia làm 2 nhóm chính. Loại tan trong dầu: A, D, E, K; và loại tan trong nước: B1, B2, B3, B5, B6, B8, B9, B12 và C. Mỗi vitamin có một nhiệm vụ cụ thể. Do đó, mặc dù không cung cấp năng lượng và chỉ cần với lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu vitamin thì “cuộc sống” sẽ bị đình trệ. Và bạn có thể nhận ra điều này thông qua một số dấu hiệu, tuy nhiên khi đó thì cũng khá là báo động rồi.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu vitamin
Những diện sau đây dễ bị thiếu vitamin: trẻ sinh non, trẻ em, người chơi thể thao, phụ nữ có thai, nhất là khi bị nghén, phụ nữ sau khi sinh, phụ nữ cho con bú, người ăn kiêng, người già, người bị bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh lý đường tiêu hoá như: tiêu chảy, đau bao tử, người đang thời kỳ dưỡng bệnh, người nghiện thuốc lá, nghiện rượu, người làm việc trong môi trường ô nhiễm, căng thẳng…
Thiếu vitamin A: quáng gà, da khô và thô ráp, thường xuyên mệt mỏi.
B1: tim đập bất thường, mệt mỏi, rối loạn thần kinh, rối loạn tâm thần.
B2: xuất hiện vết nứt ở khóe miệng, phát ban da, thiếu máu.
B3 (niacin): bệnh ngoài da, tiêu chảy, khó tiêu, mệt mỏi.
B5 (pantothenic acid): mệt mỏi, nôn, nhiễm trùng, chuột rút.
B6: động kinh, eczema, yếu cơ, nứt da, thiếu máu.
B8 (biotin): buồn nôn, nôn, trầm cảm, rụng tóc, da khô và thô ráp.
B9 (axit folic): rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, các vết nứt trên môi.
B12: thiếu máu, căng thẳng, mệt mỏi, và trong một số trường hợp, viêm dây thần kinh và thoái hóa não.
C: nướu bị sưng và chảy máu, chậm lành vết thương, mệt mỏi, bệnh còi, suy nhược, tiêu hóa kém.
D: ở trẻ em: còi xương và biến dạng xương khác. Ở người lớn: mất canxi từ xương.
E: mất cơ, tổn thương thần kinh, suy giảm khả năng sinh sản, thiếu máu.
K: rối loạn đông máu ở trẻ sơ sinh và người lớn.
Thông thường là có một số biểu hiện “vừa già vừa xấu”, kiểu như: khô da và xỉn màu, mất tính mềm mại; móng mất độ bóng, có sọc, dễ gãy; thay đổi khẩu vị: ăn không ngon ngủ không yên; thay đổi cảm xúc: giảm độ nhạy cảm của cơ thể, dễ bị kích thích, nóng nảy, giảm thể lực, giảm khả năng gắng sức, giảm khả năng tập trung, nói trước quên sau, trí nhớ giảm sút, dễ bị bầm máu, đọc sách thì nhanh mỏi mắt, tê cóng, dễ rụng tóc, chậm liền sẹo. Khi có một trong các biểu hiện trên thì hãy nhanh chóng kiểm tra lại chế độ ăn của mình.
Tìm vitamin trong thực phẩm
Đoán biết tình cảnh dân chúng sớm muộn phải lâm vào cảnh thiếu chất, nhiều công ty dược đã đưa ra hàng loạt các sản phẩm bổ sung, bao gồm cả vitamin. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng các nguồn tự nhiên từ thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm hữu cơ là tốt nhất.
Vitamin A: Có trong trứng, sữa, tôm, cá, gan các loài động vật. Các loại rau quả có màu đậm (như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay, rau khoai loang, cần ta, gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, củ khoai lang nghệ…) có nhiều caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A.
Vitamin B1: ngũ cốc và các loại đậu (hạt).
Vitamin B2: hạt ngũ cốc, thức ăn có nguồn gốc động vật.
Vitamin PP: lạc, vừng, đậu (đậu tương, đậu đen, đậu xanh, đậu cô ve), rau ngót, giá đậu xanh, cải xanh, rau dền đỏ, rau bí, thịt, cá, tôm, cua, ếch.
Vitamin B12: gan động vật.
Vitamin B9: các loại rau có lá.
Vitamin C: rau muống, rau ngót, ổi, bưởi, khoai tây, khoai lang, quả chín các loại.
Vitamin D3: dầu cá thu, gan, trứng.
Vitamin E: các loại dầu (dầu hướng dương, dầu lạc, dầu cọ…), rau dền, giá đậu, quả mơ, quả đào, gạo, ngô, lúa mì.
Sử dụng đều đặn và đa dạng các loại thực phẩm tươi, rau trái tự nhiên theo mùa là lời khuyên luôn đúng trong mọi thời đại, không chỉ để giải quyết vấn đề thiếu vitamin mà còn là cho sức khỏe tổng thể.
(Nguồn: Tổng hợp)
Bình luận