Lượng cồn trong máu quá cao sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu bia rất nguy hiểm, gây hại cho gan, các bộ phận cơ quan trong cơ thể và thậm chí là tử vong. Chính vì vậy cần phải nhận ra sớm dấu hiệu ngộ độc rượu bia để có các giải pháp cấp cứu kịp thời.
Cách phân biệt ngộ độc rượu và say rượu
Theo TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mọi người có thể dựa vào những dấu hiệu sau để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu để có phương án kịp thời đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế cấp cứu
Say rượu:
- Chếnh choáng.
- Nói líu lưỡi.
- Phối hợp cơ thể kém.
- Mất thăng bằng.
- Buồn nôn, nôn.
Người bị say rượu thường bị mất thăng bằng, buồn nôn
Ngộ độc rượu:
Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn Methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện gồm:
- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.
- Co giật.
- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
Người bị ngộ độc rượu thường bất tỉnh, gọi hỏi không biết
- Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)
- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, rối loạn cảm nhận về màu sắc.
- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.
- Mệt nhiều
Làm gì khi người thân bị ngộ độc rượu?
Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên. Lúc này cần để người bị say nằm nghiêng sang bên phải. Đây là tư thế nghiêng an toàn, có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn. Tư thế này cũng giúp dạ dày uốn cong, thức ăn trong dạ dày không bị kích thích, nôn ra ngoài. Trong khi để bệnh nhân nằm nghiêng, cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, tránh bị hôn mê mà không biết.
Trong trường hợp bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như ngô, khoai, sắn, hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng: Không nhận biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Trường hợp bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám.
(Nguồn: Sưu tầm)
Bình luận