Lượng cholesterol trong máu cao được biết đến là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 5 điều nên biết về cholesterol dưới đây sẽ giúp bạn có thể quản lý tốt hơn chỉ số này.
- Thực phẩm chứa cholesterol không trực tiếp ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu
Các nghiên cứu gần đây nhất chỉ ra rằng, các loại thực phẩm chứa cholesterol không trực tiếp ảnh hưởng đến lượng cholesterol trong máu của hầu hết mọi người. Điều quan trọng, những người có mức độ cao cholesterol cần hạn chế chất béo bão hòa (được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt, sữa giàu chất béo...) và chất béo trans (được tìm thấy trong thực phẩm nướng, thực phẩm chiên rán) trong chế độ dinh dưỡng. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chất béo bão hòa và chất béo trans là 2 loại chất béo ảnh hưởng lớn nhất tới mức độ cholesterol của bạn.
- Không phải chỉ số cholesterol nào cũng xấu
Không phải tất cả các chỉ số cholesterol cao trong máu đều không tốt. Có 3 chỉ số cholesterol bạn cần quan tâm: Cholesterol "tốt" HDL (lipoprotein mật độ cao), cholesterol "xấu" LDL (lipoprotein mật độ thấp) và cholesterol toàn phần. Khác với cholesterol "xấu" LDL làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ, cholesterol "tốt" HDL giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Để gia tăng chỉ số HDL, bạn có thể tăng cường ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá, dầu olive.
- Không nhất thiết phải kiêng trứng
Lòng đỏ trứng giàu cholesterol (khoảng 186mg cholesterol) nhưng lượng cholesterol này gần như không ảnh hưởng đến mức độ cholesterol trong máu của bạn. Trên thực tế, trứng được coi là nguồn protein nạc và có thể là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. AHA khuyến cáo người có cholesterol cao có thể ăn 2 - 3 quả trứng/tuần.
- Di truyền làm tăng nguy cơ cholesterol cao trong máu
Nếu các thành viên trong gia đình bạn có mức cholesterol cao, bạn sẽ có nguy cơ bị cholesterol cao trong máu hơn những người khác. Điều này đặt bạn phải lưu ý nhiều hơn so với người bình thường trong chế độ ăn uống và sinh hoạt để tầm soát chỉ số cholesterol.
- Thay đổi lối sống có thể cải thiện chỉ số cholesterol
Ngoài chế độ ăn uống, có một lối sống lành mạnh khác cũng có thể giúp hạ cholesterol. Ví dụ, hoạt động thể chất hầu hết các ngày trong tuần, bỏ hút thuốc, giảm cân và hạn chế rượu. Bạn cũng có thể tham khảo sử dụng một vài sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hạ cholesterol máu.
(Nguồn: Tổng hợp)
Bình luận